Dịch vụ

Đăng Ký Sở Hữu Trí Tuệ

July 8, 2023

Đăng ký sở hữu trí tuệ là một việc làm rất quan trọng và cần thiết của chủ sở hữu để bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình, việc đăng ký sẽ giúp khách hàng được độc quyền sử dụng sản phẩm đã đăng ký trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ không những thúc đẩy hoạt động quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần tạo sự tin tưởng trong mối quan hệ với các đối tác mà còn giúp doanh nghiệp được bảo vệ cho quyền lợi của mình trước những hành vi sử dụng trái phép các quyền sở hữu trí tuệ đó, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt trong nền kinh tế tri thức sâu rộng và hội nhập thị trường như hiện nay, đăng ký sở hữu trí tuệ là một trong những điều mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm và đánh giá được sự cần thiết của nó. Doanh nghiệp dù trong nước hay nước ngoài, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng cần xây dựng một sự uy tín với đối tác và người tiêu dùng, đăng ký tài sản trí tuệ là căn cứ pháp lý để phát triển những lợi ích của mình.

Sở hữu trí tuệ là gì?

Sở hữu trí tuệ hay còn gọi là quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ?

Căn cứ phát sinh quyền sở hữu trí tuệ như sau:

1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;

b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;

c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;

d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.

Ai có quyền đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam?

Theo quy định tại Khoản 1 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2009, 2019, 2022) quy định quyền sở hữu trí tuệ như sau:

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

– Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

– Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

– Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Cụ thể hơn về ai được quyền đăng ký sở hữu trí tuệ bao gồm:

Ai được quyền đăng ký sáng chế?

Chủ thể đáp ứng các điều kiện sau đây có quyền đăng ký sáng chế, cụ thể như sau:

+ Sáng chế được tạo ra bằng chính công sức và chi phí của người sáng chế;

+ Tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh phí, các phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác);

+ Cá nhân, tổ chức cùng nhau thực hiện tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sản phẩm sáng chế đó thì đều có quyền đăng ký;

+ Sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật hoặc từ kinh phí của ngân sách nhà nước;

+ Trường hợp sáng chế đó được tạo ra trên cơ sở do Nhà nước hỗ trợ đầu tư toàn bộ từ kinh phí, phương tiện vật chất kỹ thuật thì khi đó quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước;

+ Trường hợp sáng chế đó được tạo ra trên cơ sở do Nhà nước hỗ trợ góp vốn thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ góp vốn sẽ thuộc về Nhà nước;

+ Trong trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở có sự hợp tác, nghiên cứu giữa đơn vị là tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế sẽ được tính tương ứng với tỷ lệ đóng góp của cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc hợp tác đó.

Ai được quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp?

Chủ thể sau được quyền nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

– Quyền nộp kiểu dáng, trước hết thuộc về tác giả hoặc người thừa kế hợp pháp của tác giả;

– Nếu kiểu dáng công nghiệp được tạo ra khi tác giả thực hiện nhiệm vụ do Tổ chức mà tác giả là thành viên giao cho. Hoặc được tác giả tạo ra chủ yếu do sử dụng kinh phí, phương tiện vật chất của Tổ chức, thì quyền nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đó thuộc về Tổ chức giao việc hoặc Tổ chức cung cấp kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả;

– Nếu kiểu dáng được tạo ra do tác giả thực hiện Hợp đồng thuê việc với Tổ chức hoặc cá nhân khác, và trong Hợp đồng không có thoả thuận nào khác, thì quyền nộp đơn kiểu dáng công nghiệp thuộc về Tổ chức hoặc cá nhân đã ký Hợp đồng đó với tác giả.

– Người nộp đơn kiểu dáng công nghiệp có thể chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, cho cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác thông qua văn bản chuyển giao quyền nộp đơn.

Ai có quyền nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả?

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền cá nhân/tổ chức đăng ký bản quyền như sau:

Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có thể là cá nhân, pháp nhân trong nước hoặc cá nhân, pháp nhân nước ngoài đều có quyền nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm của mình tại Cục Bản quyền tác giả.

Đối với cá nhân, pháp nhân nước ngoài muốn đăng ký bản quyền tại Việt Nam sẽ không được trực tiếp nộp đơn mà bắt buộc phải ủy quyền cho tổ chức đại diện quyền tác giả nộp đơn đăng ký cho tác phẩm tại Việt Nam.

Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu?

Theo quy định tại Điều 87 – Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu như sau:

1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó.

4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.

5. Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

a) Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

b) Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

6. Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

7. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Các loại hình đăng ký sở hữu trí tuệ

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về quyền sở hữu trí tuệ như sau: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Bởi vì các tài sản trí tuệ là kết quả của cả quá trình tư duy, sáng tạo nên dù những tài sản này không quy ra được giá trị vật chất cụ thể nhưng lại mang lại giá trị tinh thần to lớn và cũng mang lại những giá trị lợi ích khác mà cá nhân, doanh nghiệp cần.

Các tài sản trí tuệ có thể là tác phẩm, bài viết, sách, bài hát, kịch bản, phần mềm, logo, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, giống vật nuôi, cây trồng,… Ứng với mỗi loại tài sản trí tuệ là một loại hình đăng ký sở hữu trí tuệ khác nhau, về cơ bản có thể chia ra làm các loại sau đây:

– Quyền sở hữu trí tuệ đối với sở hữu công nghiệp

+ Đăng ký nhãn hiệu

+ Đăng ký Sáng chế, giải pháp hữu ích

+ Đăng ký Kiểu dáng công nghiệp;

+ Đăng ký chỉ dẫn địa lý

– Quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả và quyền liên quan.

+ Đăng ký xác lập quyền tác giả tại Cục Bản Quyền tác giả Việt Nam hay gọi đơn giản là đăng ký bản quyền tác giả

+ Đăng ký xác lập quyền liên quan tại Cục Bản Quyền tác giả Việt Nam bao gồm: (i) Quyền liên quan cuộc biểu diễn (ii) Quyền liên quan bản ghi âm, ghi hình (iii) Quyền liên quan đến chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá;

– Quyền sở hữu trí tuệ với quyền cây trồng

Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Quy trình Đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2023 như thế nào?

Quy trình Đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2023 sẽ được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Phân loại đối tượng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

Việc xác định và phân loại đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ là rất quan trọng để việc đăng ký có thể tối đa được quyền của sản phẩm và đúng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Ví dụ: Logo, thương hiệu sẽ thuộc đối tượng đăng ký sở hữu công nghiệp (đăng ký nhãn hiệu) hoặc giải pháp tiết kiệm điện sẽ thuộc đối đối tượng đăng ký sáng chế

Bước 2: Xác định cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ

Hiện nay, tương ứng với 03 đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ sẽ do 03 cơ quan tiến hành thủ tục hành chính trong việc xác lập quyền cho chủ đơn đăng ký, với mỗi đối tượng chúng ta cần xác định sẽ tiến hành thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan nào. Cụ thể như sau:

– Quyền sở hữu trí tuệ đối với sở hữu công nghiệp sẽ được thực hiện thủ tục hành chính tại Cục Sở hữu trí tuệ;

– Quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan sẽ được thực hiện tại Cục Bản quyền Tác Giả;

– Quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng sẽ được tiến hành xác lập quyền tại Cục Trồng Trọt;

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ

Hồ sơ đăng ký sẽ được tiến hành bởi chủ đơn đăng ký hoặc người được chủ đơn ủy quyền. Chi tiết hồ sơ đăng ký như sau:

– Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm:
+ 02 bản tờ khai đăng ký của một trong các đối tượng sau: sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp ( theo mẫu của Cục SHTT);

+ 05 mẫu nhãn hiệu đình kèm với kích thước 8cm x 8 cm (áp dụng đối với việc đăng ký nhãn hiệu);

+ 02 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp kèm theo bản chụp sản phẩm đăng ký – Áp dụng đối với đăng ký kiểu dáng công nghiệp;

+ 02 bản mô tả sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có), yêu cầu bảo hộ sáng chế (trường hợp đăng ký sáng chế)

+ 02 bản mô tả giải pháp hữu ích, yêu cầu bảo hộ (trường hợp đăng ký giải pháp hữu ích)

+ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền;

+ Tài liệu khác liên quan (nếu có)

– Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ áp dụng cho quyền tác giả và quyền liên quan tác giả
+ Đơn đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan tác giả theo mẫu của Cục bản quyền tác giả;

+ Giấy cam đoan của tác giả sáng tác ra tác phẩm;

+ Quyết định giao việc cho tác giả hoặc hợp đồng, văn bản chứng minh việc đi thuê bên khác sáng tạo ra tác phẩm;

+ Tuyên bố của tác giả về chủ sở hữu tác phẩm

+ Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho đơn vị thứ 3 thực hiện việc đăng ký quyền tác giả;

+ Chứng minh thư nhân dân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bản sao chứng thực)

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết thành thành lập….vv( bản sao chứng thực và áp dụng trường hợp chủ sở hữu tác phẩm là pháp nhân)

+ Văn bản đồng ý của các tác giả trong trường hợp tác phẩm đăng ký có nhiều tác giả;

+ 02 bản tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.

Lưu ý: Tác phẩm được nộp kèm theo hồ sơ đăng ký sẽ được Cục bản quyền trả lại 1 bản sau khi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký, phụ thuộc vào từng loại hình tác phẩm đăng ký mà sẽ có tác phẩm nộp khác nhau. Ví dụ: Khi đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc (bài hát), chủ sở hữu sẽ nộp kèm theo 02 bản in tác phẩm (bài hát bao gồm phần lời và phần nhạc)

– Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ với giống cây trồng
+ Tờ khai (đơn) đăng ký giống cây trồng theo mẫu;

+ Ảnh chụp kèm tờ khai về kỹ thuật theo mẫu quy định;

+ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền cho việc đăng ký trường hợp sử dụng dịch vụ đăng ký;

+ Tài liệu khác như tài liệu chứng mình quyền của người nộp đơn; quyền được chuyển giao; quyền được hưởng ngày ưu tiên…vv

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan đăng ký

Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký, chủ đơn hoặc người được chủ đơn ủy quyền sẽ tiến hành nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan tiến hành thủ tục hành chính nêu trên phụ thuộc vào từng đối tượng đăng ký.

Bước 5: Nhận giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ từ cơ quan chức năng

Sau khi nộp xong hồ sơ đăng ký, hồ sơ sẽ chuyển qua các giai đoạn thẩm định khác nhau và thời gian sẽ kéo dài phụ thuộc vào từng đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ. Ví dụ: Nhãn hiệu sẽ khoảng từ 20- 28 tháng, Kiểu dáng công nghiệp sẽ khoảng từ 14-17 tháng…vv.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký, cơ quan đăng ký sẽ ra thông báo về tiến hành công việc, thông báo thiếu xót, thông báo dự định từ chối….vv. Do đó, người nộp đơn cần hết sức chú ý để tránh trường hợp đơn đăng ký bị từ chối đăng ký.

Cuối cùng, sau khi hoàn thành xong quá trình thẩm định đơn đăng ký, Cơ quan đăng ký sẽ ra quyết định cuối cùng về việc đồng ý hoặc không đồng ý cấp giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đăng ký. Dựa vào thông báo này, người nộp đơn sẽ tiến hành các công việc tiếp theo.

Gửi yêu cầu

    (*) Các trường bắt buộc nhập.

    Liên hệ